Lúc 8h05 tổ máy số 1, công suất 15MW, đã hòa lưới điện quốc gia thành công. Với việc vận hành tổ máy số 1, mỗi ngày sẽ có 1.000 tấn rác tươi được đốt phát điện, bằng 1/7 lượng rác phát sinh mỗi ngày của TP Hà Nội.
Ông Li Ke, Phó tổng giám đốc nhà máy, cho hay tổ máy số 2 đã hoàn thành tất cả bước hiệu chỉnh kỹ thuật, đang chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép vận hành. Các lò đốt còn lại số 3, 4, 5 cũng đã được hiệu chỉnh thành công, có thể hoạt động khi được phép.
Nhà máy dùng công nghệ của Bỉ và đốt rác hỗn hợp (không qua phân loại). Tuy nhiên, ông Li Ke cho rằng việc phân loại rác thải tại nguồn là xu thế phát triển của tất cả quốc gia. Nếu TP Hà Nội phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp giảm tỷ lệ chất không đốt được, đồng thời giúp việc đốt rác thuận lợi hơn.
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Nhà máy có 5 lò đốt với 3 tổ máy phát. Trong giai đoạn một, nhà máy sẽ vận hành lò đốt số 3-4 (tổ máy 1), giai đoạn 2 vận hành lò đốt số 1-2 (tổ máy 2), giai đoạn 3 là lò đốt số 5 (tổ máy 3). Dự kiến, với 4.000 tấn rác được đốt, lượng điện phát ra là 75 MW. Trong đó, lượng điện được tái sử dụng là 15-20%; còn lại nhà máy đã ký hợp đồng bán điện với Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Đây được xem là nhà máy đốt rác lớn nhất Việt Nam với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương gần 5.500 tấn rác ướt, mỗi ngày. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý (Công ty Thiên Ý), Tổng thầu MCC (Trung Quốc).
Mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, chủ yếu được xử lý ở hai khu xử lý rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (trên 5.000 tấn/ngày) và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (khoảng 1.300 tấn/ngày). Công nghệ hiện chủ yếu là chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt không phát điện chiếm tỷ lệ nhỏ.
Hồi tháng 3, nhà máy điện rác công suất 1.500-2.000 tấn/ngày đêm cũng được khởi công tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, công suất phát điện 37MW và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng.
Võ Hải VNE
---------
Đọc thêm:
Hà Nội khởi công nhà máy điện rác gần 4.000 tỷ đồng
Ngày 30/3, nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được khởi công với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Nhà máy được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, công suất tiêu thụ rác 1.500-2.000 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 37MW và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng.
Đại diện chủ đầu tư, ông Tô Văn Nhật, thành viên sáng lập, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn Amaccao, cho biết nhà máy sử dụng công nghệ châu Âu để đốt rác, tận thu nhiệt phát điện với chỉ tiêu khí thải, khói thải sau đốt đạt tiêu chuẩn EU 2010/75/EC, nghĩa là như khí trời tự nhiên; không thải nước, không phát tán bụi, tiếng ồn, mùi... ra môi trường bên ngoài.
Các tiêu chí về khí thải, nước thải, mùi, tiếng ồn... sẽ được gửi trực tuyến tới Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố. Cổng nhà máy cũng đặt bảng điện tử hiển thị các thông số để chính quyền và nhân dân địa phương cùng giám sát.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, những năm gần đây thành phố đã định hướng xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, coi rác là tài nguyên để tái sử dụng, tạo năng lượng, góp phần cải thiện môi trường và phát triển kinh tế
Seraphin là nhà máy điện rác thứ hai của thành phố. Nhà máy đầu tiên ở khu xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn), công suất 5.500 tấn rác/ngày đêm, dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2022. Hai nhà máy sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố. Hiện số rác thải trên địa bàn khoảng 7.000 tấn/ngày đêm, trong đó phần lớn vẫn đang được xử lý bằng chôn lấp.
Ngoài hai dự án trên, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các dự án xử lý rác thải tại Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm. Lãnh đạo thành phố cho rằng việc xây dựng nhà máy rác xung quanh khu vực trung tâm sẽ góp phần giảm cự ly vận chuyển, giảm chi phí và giảm nguồn chi của ngân sách.
Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn hiện tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 12 huyện gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây. Khối lượng bình quân bãi rác này tiếp nhận khoảng 1.500 tấn/ngày. Trong đó, xử lý chôn lấp 1.400 tấn/ngày và khoảng 100 tấn được đốt.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn. Nhưng hiện thành phố mới có 2 khu (Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn và khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) hoạt động.
( Internet)