EU thừa nhận an ninh, thịnh vượng của khối phụ thuộc vào Nga, Mỹ, Trung


EU thừa nhận an ninh, thịnh vượng của khối phụ thuộc vào Nga, Mỹ, Trung

Sự thịnh vượng của EU phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc, trong khi an ninh phụ thuộc vào Mỹ - Cao ủy EU thừa nhận.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Châu Âu Josep Borrell thừa nhận, đã quá lâu rồi, sự thịnh vượng của EU phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc, trong khi an ninh giao phó cho Mỹ.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và nỗ lực hạn chế nguồn cung cấp dầu khí Nga như một phần của các lệnh trừng phạt đối với hoạt động quân sự của Mátxcơva ở Ukraina.

“Sự thịnh vượng của chúng ta dựa trên nguồn năng lượng giá rẻ đến từ Nga. Khí đốt Nga - giá rẻ và được cho là giá cả phải chăng, an toàn và ổn định. Nhưng điều đó đã được chứng minh là không phải như vậy” - RT dẫn lời ông Josep Borrell, Cao uỷ EU về chính sách an ninh và đối ngoại, cho biết trong một bài phát biểu tại hội nghị các đại sứ EU hôm 10.10.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của EU nói thêm rằng 27 nước thành viên của Liên minh Châu Âu cũng phụ thuộc quá nhiều vào thương mại với Trung Quốc, cũng như đầu tư của Trung Quốc và hàng hóa giá rẻ.

Theo ông Borrell, với chi phí sản xuất rẻ, công nhân Trung Quốc đã đóng góp vào việc giữ lạm phát ở mức thấp trong EU nhiều hơn "tất cả các ngân hàng trung ương cộng lại".

“Vì vậy, sự thịnh vượng của chúng ta dựa vào năng lượng Nga và thị trường Trung Quốc. Rõ ràng, ngày nay, chúng ta phải tìm ra những cách thức mới để cung cấp năng lượng từ bên trong Liên minh Châu Âu, càng nhiều càng tốt, bởi vì chúng ta không nên thay đổi từ sự phụ thuộc này sang sự phụ thuộc khác. Điều đó sẽ dẫn đến sự điều chỉnh khó khăn và tạo ra các vấn đề chính trị” ở EU” - ông Borrell nhấn mạnh.

 

Cao uỷ EU nói thêm, trong khi ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Mátxcơva và Bắc Kinh, thì “chúng ta đã ủy quyền an ninh của mình cho Mỹ”. Ông nói, việc phụ thuộc quá nhiều vào Washington tạo ra cảm giác không chắc chắn ở Brussels, đặc biệt nếu tổng thống tiếp theo của Mỹ ít ủng hộ EU hơn.

“Ai biết được điều gì sẽ xảy ra sau hai năm kể từ bây giờ, hoặc thậm chí vào tháng 11 (bầu cử giữa kỳ Mỹ - PV)? Điều gì sẽ xảy ra nếu, thay vì ông Joe Biden, sẽ là ông Donald Trump hoặc một người như ông ấy ở Nhà Trắng? Câu trả lời của Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraina là gì? Câu trả lời của chúng ta sẽ là gì trong một tình huống khác?" - ông Borell nói.

Ông Borrell cho biết, các nhân tố quan trọng khác của chính trị thế giới, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia, Brazil và Mexico, “không phải lúc nào cũng đi theo” EU trong các lựa chọn chính sách đối ngoại hoặc kinh tế của họ. Ông thừa nhận, EU đã không chuẩn bị cho việc các nước khác “sẽ nhìn nhận mô hình Brussels như thế nào”.

Ông lập luận: “Phần còn lại của thế giới chưa sẵn sàng theo mô hình của chúng ta”, đồng thời kêu gọi EU lắng nghe phần còn lại của thế giới với “sự đồng cảm nhiều hơn”.

“Và câu trả lời dành cho tôi rất rõ ràng: Chúng ta cần phải tự mình gánh vác nhiều trách nhiệm hơn. Chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh” - ông Borrell tuyên bố.

Mối quan hệ của phương Tây với Nga ngày càng xấu đi do cuộc chiến Ukraina. EU, Mỹ và Anh, cùng nhiều nước khác, đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm hạn chế thương mại công nghệ cao, cấm nhập khẩu dầu, than và vàng của Nga, loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Nga đã lần lượt cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu và các nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn với lạm phát cao và giá năng lượng tăng chóng mặt.

Lo ngại về giá khí đốt và lo ngại về khả năng thiếu hụt khí đốt cũng đã thúc đẩy một số công ty lớn chuyển hoạt động sản xuất từ ​​EU sang Mỹ. Volkswagen - nhà sản xuất ô tô lớn nhất Châu Âu - đã tiết lộ vào tháng trước rằng họ đang xem xét chuyển các nhà máy sản xuất khỏi Đức do chi phí năng lượng tăng.

Trong khi đó, Trung Quốc bị Mỹ và các đồng minh coi là đối thủ kinh tế và quân sự. Bắc Kinh không ủng hộ cuộc chiến Ukraina, nhưng chỉ trích các biện pháp trừng phạt Nga đơn phương.