Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), trả lời VnExpress về dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
- Những điểm mới của bản dự thảo so với quy hoạch hiện nay là gì, thưa ông?
- Đối với ngành hàng không, từ năm 1993 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt 4 quy hoạch ngành. Nội dung các quy hoạch trong lĩnh vực hàng không trước đây bao gồm quy hoạch các cảng hàng không, sân bay các loại, bãi đáp trực thăng, bãi hạ cánh dự bị, đội tàu bay, doanh nghiệp hàng không. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch năm 2017, các quy hoạch cần tập trung quy hoạch kết cấu hạ tầng. Do vậy, chúng tôi phải cập nhật lại quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Như vậy, lần này chỉ quy hoạch kết cấu hạ tầng hàng không; không thực hiện các nội dung như đội tàu bay, doanh nghiệp hàng không, nguồn nhân lực và cơ sở đào tạo, công nghiệp hàng không như trước.
Điểm mới tiếp theo là dự thảo quy hoạch hệ thống cảng hàng không lần này được thực hiện đồng thời với 4 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải khác, là đường bộ, đường sắt và đường thủy, hàng hải. Do đó sẽ đảm bảo tính tích hợp, đồng bộ, khoa học trong công tác lập quy hoạch.
Việc dự báo nhu cầu vận tải tổng thể của cả 5 chuyên ngành và phân bổ cho từng chuyên ngành được thực hiện bởi một đơn vị tư vấn; đảm bảo tính kết nối và phù hợp với đặc điểm của từng loại hình vận tải.
Một điểm mới khác, lần này quy hoạch nghiên cứu hệ thống giao thông tiếp cận đến các cảng hàng không; ngoài các tuyến đường bộ thì đường sắt cũng được quy hoạch đến các sân bay có công suất trên 20 triệu hành khách mỗi năm theo từng giai đoạn quy hoạch, như: Nội Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Long Thành và Tân Sơn Nhất.
- Ngoài 22 cảng hàng không hiện có, vừa qua nhiều tỉnh, thành ồ ạt đề xuất xây sân bay mới. Vậy các đề xuất này sẽ được Bộ Giao thông Vận tải xem xét như thế nào?
- Đến nay, Bộ Giao thông Vân tải đã nhận được ý kiến của nhiều tỉnh, thành phố đề xuất quy hoạch sân bay mới trên địa bàn hoặc nâng cấp sân bay hiện có. Chúng tôi cho rằng đề xuất của các địa phương nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội là rất chính đáng. Bộ Giao thông Vận tải xin ghi nhận ý kiến đề xuất của các địa phương và sẽ xem xét trên cơ sở các tiêu chí khoa học, trong đó có tính đến việc sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, quỹ đất, cự ly tiếp cận của người dân đến các cảng hàng không.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tư vấn nghiên cứu các đề xuất này để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, đảm bảo tính hiệu quả của toàn mạng cảng hàng không. Theo đó, số lượng sân bay sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các tiêu chí và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực trạng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
- Một số tỉnh đề xuất quy hoạch sân bay song khoảng cách từ tỉnh đó đến sân bay hiện có chỉ dưới 100 km, ông nghĩ sao về đề xuất này?
- Như tôi đã đề cập ở trên, để quy hoạch một cảng hàng không mới cần bố trí quỹ đất lớn, chi phí đầu tư xây dựng rất lớn và khả năng thu hồi vốn khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí để duy trì hoạt động một cảng hàng không hàng năm không phải là nhỏ.
Đối với các cảng hàng không của Việt Nam hiện nay, lượng hành khách thông qua cảng dưới 2 triệu hành khách mỗi năm đều đang phải bù lỗ. Do đó, các cảng hàng không mới nếu cự ly tiếp cận tới các cảng hàng không lân cận dưới 100 km, theo kinh nghiệm quốc tế là hiệu quả không cao.
Hiện nay, một số địa phương đang có nhu cầu quy hoạch, đầu tư sân bay chuyên dùng (sân bay nhỏ, sử dụng cho tàu bay, thủy phi cơ, trực thăng...) như Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Bình Phước.... Theo quy định tại khoản 2, điều 56 của Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải không phê duyệt quy hoạch các sân bay này. Bộ đã đề nghị các địa phương chủ động bổ sung trong quy hoạch tỉnh và lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng để thỏa thuận, đồng thời kêu gọi các nguồn lực để đầu tư.
- Dự kiến chi phí đầu tư các sân bay trên toàn quốc đến năm 2030 là 15,7 tỷ USD, nguồn vốn này lấy từ đâu?
- Giai đoạn đến năm 2030, nguồn vốn dự kiến để thực hiện quy hoạch được huy động từ các nguồn: ngân sách nhà nước, vốn của các doanh nghiệp. Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ tập trung đầu tư khu bay cho các cảng hàng không trọng yếu.
Theo dự kiến, giai đoạn 2021-2030 sẽ chủ yếu tập trung ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp bách như: xây dựng sân bay Long Thành (giai đoạn 1 và 2); mở rộng, nâng cấp sân bay Nội Bài; xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất; mở rộng nâng cấp sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Điện Biên. Đây đều là những dự án đã và đang được nghiên cứu đầu tư, trong đó các dự án lớn đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.
Ngoài ra, có một số cảng hàng không mới được đầu tư theo phương thức PPP, có sự tham gia góp vốn của Nhà nước như sân bay Phan Thiết, Sa Pa. Các dự án nêu trên sẽ được tính toán cân đối cụ thể trong bước lập chủ trương đầu tư và dự án đầu tư. Giá trị trên mới chỉ là dự kiến. Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, cập nhật.
- Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề ra các giải pháp nào để thu hút vốn xã hội hóa vào đầu tư sân bay?
- Chúng tôi đang hoàn thiện đề án "Định hướng huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không" để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Theo đó, các cảng hàng không mới dự kiến sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sự tham gia góp vốn của Nhà nước (ngân sách địa phương) như sân bay Sa Pa, Phan Thiết, Quảng Trị, Long Thành.
Đối với các cảng hàng không hiện đang khai thác dự kiến sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư các công trình dịch vụ hàng không.
Theo quy hoạch hiện nay, đến năm 2030, Việt Nam có tổng cộng 28 cảng hàng không, trong đó có 15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế. Các cảng hàng không được phân bổ theo khu vực như sau:
- Khu vực miền Bắc, Bắc Trung bộ có 10 cảng hàng không, gồm: 5 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh) và 5 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới).
- Khu vực miền Trung, Tây nguyên có 8 cảng hàng không, gồm: 4 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai) và 4 cảng hàng không quốc nội (Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà).
- Khu vực miền Nam có 10 cảng hàng không, gồm: 4 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Long Thành) và 6 cảng hàng không quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).
Theo VNE