Vàng và chứng khoán bị bán mạnh sau tuyên bố của Fed


Việc Fed thể hiện quan điểm cứng rắn hơn kỳ vọng trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ khiến vàng và chứng khoán đều bị bán mạnh ngày 16/6.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm qua đã kết thúc cuộc họp bàn về định hướng chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày (15 và 16/6). Các tuyên bố mới về kế hoạch điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed đã tạo ra các đợt bán mạnh trên thị trường vàng và chứng khoán của Mỹ.

Theo đó, trong phần lớn thời gian giao dịch ngày hôm qua, giá vàng giao ngay diễn biến khá ổn định ở quanh ngưỡng 1.860 USD một ounce. Nhưng từ sau 2h chiều (giờ Việt Nam) khi tuyên bố chính sách của Fed được đưa ra, giá vàng bắt đầu lao dốc, đà giảm tăng dần khi thời gian chốt phiên dần đến.

Chốt ngày, giá vàng giao ngay hạ 46,8 USD mỗi ounce tương đương mức giảm 2,51% xuống 1.811,8 USD một ounce. Quy ra tiền Việt, mỗi lượng vàng quốc tế hiện tương đương 50,9 triệu đồng.

Biểu đồ giá vàng ngày 16/6.

Nhà đầu tư trên thị trường vàng quan tâm đến một số điểm quan trọng trong tuyên bố chính sách của Fed, trong đó có kỳ vọng lạm phát năm 2021 cao hơn và khả năng sẽ có 2 đợt nâng lãi suất cơ bản đồng bạc xanh trong năm 2023. Lạm phát lõi được dự báo sẽ ở mức 3% năm nay so với dự báo 2,2% được đưa ra vào tháng 3.

Chủ tịch Fed vẫn giữ quan điểm rằng lạm phát chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo ông, vấn đề hiện nay chính là nhu cầu rất mạnh và thu nhập cao. "Nếu bạn xem xét kỹ hơn các số liệu sẽ thấy tình hình lạm phát đang có nguyên nhân chủ yếu từ việc giá cả của nhiều loại hàng hóa tăng do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình kinh tế phục hồi sau đại dịch và kinh tế mở cửa trở lại", ông nói.

Ông Powell cũng lấy ví dụ về việc giá sản phẩm gỗ để minh chứng cho quan điểm của ông rằng lạm phát cao chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

"Khi thời gian qua đi, những yếu tố đẩy cao lạm phát sẽ không còn nữa. Câu chuyện về giá các sản phẩm gỗ cho thấy rõ điều đó", ông Powell nhấn mạnh và cho rằng, trước đây, giá sản phẩm gỗ tăng nhanh bởi nguồn cung thiếu hụt và tình trạng chuỗi cung ứng có nhiều điểm nghẽn. Sau đó, giá sản phẩm bình ổn trở lại. Nên ông cho rằng các số liệu lạm phát cao hiện nay sẽ thay đổi, giống như những gì diễn ra với giá sản phẩm gỗ được nói đến ở trên.

"Rõ ràng đây không phải cái mà thị trường kỳ vọng. Fed phát đi thông điệp rằng lãi suất sẽ cần phải tăng sớm và nhanh hơn. Quan điểm này khác với tuyên bố gần đây của Fed là việc lạm phát tăng chỉ diễn ra trong ngắn hạn", chuyên gia tại quỹ Aberdeen Standard Investments – ông James McCann khẳng định.

Định hướng chính sách của Fed cũng khiến cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ bị bán khá mạnh trong phiên 16/6.

Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm ngay từ đầu phiên, nhưng mức hạ không cao, chỉ khoảng 0,1%. Tuy nhiên, từ sau 12h30 ngày 16/6 (giờ Việt Nam) khi Fed công bố kế hoạch chính sách tiền tệ dần đến, các chỉ số hạ mạnh dần. Mức đáy của thị trường được thiết lập lúc gần 3h chiều, khi đó Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm hơn 1%.

Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 0,8% giá trị và đóng cửa ở mức 34.033,6 điểm; sau khi Fed công bố quan điểm chính sách tiền tệ, chỉ số này có lúc hạ đến 382 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,5% ở thời điểm cuối phiên và chốt phiên ở mức 4.223,7 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng giảm 0,2% xuống 14.039,68 điểm.

Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) nói rằng Fed có thể nâng lãi suất cơ bản của USD 2 lần trong năm 2023. Trước đó vào tháng 3, Fed từng nói sẽ không nâng lãi suất cho đến năm 2024.

Dù thị trường nói chung giảm điểm nhưng cổ phiếu của một số doanh nghiệp hoạt động trong những ngành hưởng lợi từ quá trình mở cửa kinh tế vẫn tăng điểm. Cổ phiếu hãng du thuyền du lịch Royal Caribbean và Norwegian Cruise Line tăng lần lượt 2 và 3% trong ngày giao dịch; cổ phiếu hai hãng hàng không United Airlines và American Airlines lên điểm.

Diệu Thanh (Theo CNBC, Kitco)