Các nước mới nổi châu Á nguy cơ bị rút vốn sau động thái từ Fed


Các nước mới nổi châu Á nguy cơ bị rút vốn sau động thái từ Fed

Sau thông điệp nâng lãi suất cơ bản 2 lần vào năm 2023 của Fed, nhiều khả năng dòng vốn sẽ bị rút mạnh hơn khỏi nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á.

Dòng vốn đã bắt đầu rời khỏi các thị trường mới nổi châu Á khi Covid-19 làm chậm đà phục hồi của kinh tế khu vực. Cùng lúc đó, nhà đầu tư dự báo nhiều hơn về khả năng sẽ có những đợt nâng lãi suất cơ bản tại Mỹ và châu Âu.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) mới đây công bố, nhà đầu tư quốc tế bán ròng 500 triệu USD cổ phiếu và trái phiếu trên các thị trường mới nổi tại châu Á. Đây là lần đầu tiên tính từ tháng 12/2020, vốn bị rút đi.

Nếu không tính Trung Quốc – nước có nền kinh tế hồi phục nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng Covid-19 vào nhóm này, lượng vốn bị rút ròng ước tính lên đến 10,8 tỷ USD.

Ngày 16/6, sau buổi họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, quan chức thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức phát đi thông điệp rõ ràng về 2 lần nâng lãi suất cơ bản đồng bạc xanh vào năm 2023. Trong bối cảnh này, chênh lệch về lãi suất có thể trở thành yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến biến động các dòng vốn giữa các khu vực trên thế giới.

Trước đó, trong tháng 5, thị trường chứng khoán Thái Lan, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc đều đã chứng kiến tình trạng rút vốn. Chỉ số chứng khoán Kuala Lumpur Composite Index của thị trường Malaysia và chỉ số chứng khoán PSE Composite Index của thị trường Philippines đang dao động ở ngưỡng thấp hơn so với mức đóng cửa năm 2020.

Châu Á đang là điểm trũng của dịch Covid-19, thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng chung của khu vực. Xu hướng rút vốn của các quỹ ETF có thể thay đổi khi tình hình dịch bệnh trong khu vực được kiểm soát.

Nhìn lại năm 2018, dòng vốn ETF có xu hướng đảo chiều vào giữa tháng 2 thì thị trường chứng khoán cũng tạo đỉnh vào 9/4/2018. Dù hiện tại quy mô, chất lượng thị trường của Việt Nam đã thay đổi, tác động của dòng vốn ngoại cũng có thể mờ nhạt hơn nhưng nếu xu hướng rút ròng của các quỹ ETF tiếp diễn sẽ là một chỉ báo đáng lưu tâm để gia tăng sự thận trọng với thị trường.

Thị trường chứng khoán nhiều nước châu Á nói trên giảm điểm còn do nhà đầu tư không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế. Tại Malaysia, các biện pháp phong tỏa thời kỳ đại dịch đã được kéo dài đến cuối tháng này, phần lớn doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động.

Tại Thái Lan, giờ hoạt động của các nhà hàng cũng như việc nhập cảnh của khách du lịch nước ngoài đã bị hạn chế dù Thủ tướng nước này tuyên bố về mục tiêu mở cửa đất nước trong 120 ngày. Tháng trước, chính phủ Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống còn từ 1,5% đến 2,5%, thấp hơn hẳn so với dự báo từ 2,5% đến 3,5% trước đó.

Nếu Fed thông báo rằng quá trình thu hẹp chương trình mua tài sản được khởi động từ cuối năm nay, nhiều khả năng dòng vốn sẽ bị rút mạnh hơn khỏi nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á, nơi mà lãi suất đang ở mức khá thấp. Đồng tiền của nhóm nước mới nổi châu Á có thể tiếp tục xuống giá.

So với cuối năm 2020, phần lớn đồng nội tệ của các nước này, như đồng rupiah của Indonesia hay đồng bath Thái đã giảm giá so với USD. Đặc biệt, cần phải quan tâm đến sự điều chỉnh tỷ giá này khi dòng vốn vẫn tiếp tục được chuyển sang các thị trường mới nổi khác bên ngoài châu Á.

Ngân hàng trung ương nhiều nước châu Á đang đương đầu với "bài toán khó". Họ vẫn phải duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế còn đang yếu kém, cùng lúc phải ngăn rủi ro vốn bị rút đi.

Thách thức lớn nhất đối với ngân hàng trung ương các nước mới nổi này sẽ là duy trì được tín nhiệm trong bối cảnh mối lo lạm phát lớn dần, cùng lúc đó không được hành động chậm hơn so với ngân hàng trung ương các nước phát triển khác và không để bị bất ngờ bởi những diễn biến khác thường, theo ông Jonathan Fortun - chuyên gia kinh tế thuộc IIF.

Tháng 5 vừa qua, Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) cảnh báo, các thị trường mới nổi cần theo dõi chặt chẽ tác động của việc USD mạnh lên.

"Một nghiên cứu gần đây của MAS cho thấy, cứ mỗi khi đồng bạc xanh tăng giá thêm 1%, dòng vốn rút ra tăng thêm 0,3% ngay trong quý tiếp đó", ông Menon nói.

Diệu Thanh (Theo Nikkei)