M&A- Mô hình làm việc trong tương lai có ảnh hưởng tới nhu cầu bất động sản?


Mô hình làm việc trong tương lai có ảnh hưởng tới nhu cầu bất động sản?

Trước đại dịch, một người lao động thường mất trung bình nửa giờ để di chuyển từ nhà đến nơi làm việc. Nhưng COVID-19 đã rút ngắn thời gian này thành từ phòng ngủ đến bàn làm việc tại gia. Khi đại dịch vẫn bùng phát, nhiều doanh nghiệp sẽ phải vật lộn với câu hỏi về việc: Nhân viên nào cần đến văn phòng và theo tần suất mấy lần một tuần? Mô hình văn phòng nào tạo ra sự an toàn cho nhân viên?

Sự không chắc chắn của đại dịch đã khiến thị trường văn phòng phải trả một cái giá không hề rẻ. Từng là trụ cột của bất động sản thương mại, giờ đây thị trường văn phòng phải hứng chịu mức sụt giảm lớn nhất về hoạt động đầu tư và chuyển nhượng so với trước đại dịch. Nhiều nhà đầu tư lớn đã thoái hoàn toàn vốn hoặc giảm số lượng bất động sản văn phòng mà họ nắm giữ.

Hầu hết các công ty đều muốn nhân viên quay lại văn phòng, nhưng xu hướng làm việc tại nhà dường như sẽ tiếp tục chiếm ưu thế nhất định trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng nhân viên có thể làm việc hiệu quả tại nhà và đang tính toán để họ làm việc từ xa vĩnh viễn. Hệ quả là, doanh nghiệp có thể sẽ giảm diện tích văn phòng thuê trong tương lai. Mặt khác, nhu cầu của khách thuê cũng sẽ khiến thị trường văn phòng có những thay đổi nhất định. Họ sẽ ưu tiên các tòa nhà mới hơn với hệ thống thông gió tốt hơn, mặt bằng được bố trí linh hoạt hơn với các tiện nghi hiện đại như hệ thống cảm ứng. Tất cả nhằm đảm bảo tính an toàn về mặt giãn cách xã hội, kiểm soát tần suất xuất hiện của nhân viên, cũng như tính hiệu quả của việc vận hành văn phòng.

Kết quả là thị trường văn phòng có thể chuyển hướng sang một mô hình lai, cho phép các doanh nghiệp và người lao động vừa có thể làm việc từ xa, vừa có thể tới văn phòng vào những thời điểm nhất định.