Mua bán dự án: Kinh nghiệm nhà ở Xã hội của Singapore


( Sàn Dự Án) -  Theo ông David Jackson, mô hình phát triển nhà ở xã hội của Singapore không hoàn toàn phù hợp với Việt Nam những vẫn có những kinh nghiệm có thể tham khảo.

Thứ nhất, nhà ở xã hội tại Singapore được xem là tài sản xã hội, mục tiêu là đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng về nhà ở và hạn chế sự méo mó về kinh tế và xã hội liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Do đó, Cơ quan Phát triển nhà ở xã hội (HDB) được thành lập và có nhiệm vụ cung cấp nhà ở giá cả phải chăng cho người dân của đảo quốc này. Các căn hộ HDB được Nhà nước cung cấp theo hợp đồng thuê 99 năm, nghĩa là chủ sở hữu.

Căn hộ HDB có quyền sử dụng trong 99 năm và khi hết thời hạn thuê, căn hộ sẽ được trả lại cho HDB để tái phát triển. Người mua căn hộ HDB có thể tận dụng nguồn vay từ ngân hàng, vay từ HDB, trả bằng tiền mặt hoặc bằng nguồn vốn rút từ Quỹ Tiết kiệm trung ương (CPF) – một hệ thống an sinh xã hội cho phép công dân Singapore và thường trú nhân tiết kiệm để nghỉ hưu.

Kể từ khi thành lập năm 1960, HDB vừa là nhà cung cấp chính về nhà ở giá rẻ vừa đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng và quản lý hầu hết nhà ở xã hội tại Singapore. HDB cũng cấm người Singapore sở hữu hai căn hộ HDB cùng lúc.

Thứ hai, vì được xem là tài sản xã hội, các cụm nhà ở HDB được phát triển chủ yếu dựa trên cách tiếp cận tạo ra nơi ăn chốn ở, nghĩa là xây dựng cộng đồng và môi trường sống chứ không chỉ tập trung vào số lượng căn hộ và giá bán. Trên cơ sở này, việc phát triển nhà ở xã hội luôn gắn liền với cơ sở hạ tầng đô thị hiện hữu (đường sá, giao thông, trường học, dịch vụ y tế…) và các tiện ích thể thao, giải trí, công viên, khu ăn uống cùng nhiều dịch vụ bán lẻ khác.

Qua nhiều năm, khi mức sống và kỳ vọng của cư dân tăng lên, HDB cũng chú ý điều chỉnh kiến trúc cảnh quan cũng như cải thiện vấn đề an sinh của cư dân. Một số cụm HDB hiện có vườn cộng đồng, một số thậm chí còn được trang bị hệ thống đỗ xe đạp tự động. Hiện nay có khoảng 80% dân số Singapore sống trong các căn hộ HDB.

Cũng theo ông David Jackson, một vấn đề đáng quan tâm nữa là đảm bảo giá nhà ở xã hội vừa túi tiền của người có nhu cầu thực.

Theo đó, tại Anh, nơi có một trong những dự án nhà ở xã hội quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, giá thuê nhà ở xã hội được tính theo thu nhập địa phương và thấp hơn nhiều so với giá thuê nhà ở tư nhân. Chính phủ cũng hạn chế việc tăng giá thuê nhà, duy trì giá thuê ở mức hợp lý để đảm bảo mọi người tiếp cận được nhà ở mà không lo vuột mất cơ hội do giá tăng cao.

Đối với Việt Nam, nhiều mô hình đã được đề xuất để phát triển nhà ở xã hội cho các nhóm dân cư có thu nhập thấp, bao gồm công nhân tại các khu công nghiệp. Với phương châm lấy con người làm trọng tâm và tham khảo kinh nghiệm từ Singapore và Anh, càng có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội được xây dựng theo cách thức bền vững và toàn diện thì càng giúp được nhiều người có nhu cầu được tiếp cận nhà ở giá phải chăng và gần nơi làm việc.

Nhận định về giải pháp nhằm đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng để đẩy nhanh quá trình này, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội, có lẽ Việt Nam cần sự bắt tay từ các khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận.

( SÀN DỰ ÁN TỔNG HỢP)